Home Tài liệu giáo lý

Chương trình giáo lý thăng tiến

IMG
Khai Tâm 1

Giáo lý chính thức bắt đầu từ 7 tuổi. Trước đó, từ 3 đến 7 tuổi là giai đoạn tiền giáo lý ( còn gọi là tuổi tiểu ấu ). Giáo lý cho tuổi Tiểu Ấu có tính chất khai tâm, thức tỉnh cảm quan tôn giáo của các em với những đặc điểm sau :

Trong khuôn khổ gia đình, Cha Mẹ là người hướng dẫn.

Việc giáo dục đức tin có tính cơ hội: không thời biểu, không chương trình cố định. Tùy dịp mà hướng dẫn trẻ tới tôn giáo.

Nhằm thức tỉnh cảm quan, tâm tình tôn giáo hơn là trau dồi kiến thức tôn giáo.

Đây là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành tính cách của trẻ. Do vậy, phụ huynh cần tránh : hoặc quá khép kín (không cho trẻ có cơ hội giao tiếp với bên ngoài, trẻ sẽ cô đơn, vị kỷ, thiếu kinh nghiệm khi ra đời), hoặc độc đoán ( đặt ra quá nhiều khuôn phép gò bó, nghiêm khắc, bắt trẻ quá lệ thuộc người lớn; trẻ không thể phát triển thoải mái quân bình ), hoặc thả lỏng ( không hướng dẫn, để trẻ vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của gia đình, tự do phiêu lưu ).

Giáo dục đức tin là một nghệ thuật, cha mẹ cần theo dõi để hướng dẫn con cái nhưng hướng dẫn kín đáo và nhẹ nhàng. Tập cho trẻ biết sử dụng tự do theo ý Chúa.

Read More
IMG
Khai Tâm 2

Nhằm chủ đích khai tâm. Cần thức tỉnh lương tâm cho trẻ, đào tạo những thái độ tôn giáo căn bản cho các em, giúp trẻ có một cái nhìn toàn bộ nhưng đơn giản về Kitô giáo. Chương trình giáo lý khai tâm này giống như một cây non đã có đủ rễ, thân, cành, lá...Sau này cứ như vậy mà lớn lên.

Các em được chuẩn bị xưng tội, rước lễ theo chương trình 2 năm ( lớp 3/8 tuổi và lớp 4/9 tuổi). Mỗi năm có 2 học kỳ, mỗi học kỳ là 15 bài. Chương trình được soạn theo hướng Quy Kitô ( Christocentrique ) giúp các em lần lượt từ gặp gỡ Đức Kitô đến gặp gỡ Thiên Chúa (năm 1) và từ đón nhận Đức Kitô đến sống như con Thiên Chúa ( năm 2 ).

Mục đích chương trình này nhằm giúp các em có những tâm tình và kiến thức căn bản về đời sống và đức tin Kitô giáo.

Khởi đầu đức tin là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Tin Mừng, các môn đệ tiên khởi đã tin và theo Chúa. Hôm nay, chúng ta muốn giúp các em lập lại kinh nghiệm ấy. Rồi Chúa Giêsu sẽ mạc khải về Thiên Chúa là Cha của Ngài, mà cũng là Cha của chúng ta và của hết mọi người.

Read More
IMG
Rước Lễ 1

Tập trung vào việc giúp các em học biết Chúa Giêsu ( CG là ai, Ngài sống như thế nào, Ngài nói gì, làm gì, dạy ta điều gì ) và nhờ Ngài mà nhận biết Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con cái yêu dấu của Ngài.

Read More
IMG
Rước Lễ 2

Nhằm chuẩn bị gần cho các em lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Bí tích Thống Hôi, giúp các em hiểu biết đặc biệt về Thánh Lễ và đời sống luân lý (qua việc học hỏi các giới răn): Các em tập chia sẻ tâm tình và lối sống của Chúa Giêsu, tập suy nghĩ và phán đoán dựa trên giáo huấn của Chúa để xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

Trẻ 9-12 tuổi - Lớp Thêm Sức - yêu thích cụ thể, hướng về hoạt động, có óc thực tiễn, cảm phục những anh hùng, ưa chuộng những cuộc phiêu lưu và những hành động phi thường. Những yếu tố tâm lý trên cho thấy dùng Lịch sử Cứu độ để trình bày giáo lý cho tuổi này là phù hợp, lớp Thêm Sức 1 ( 10 tuổi ) và lớp Thêm Sức 2 ( 11 tuổi ), mỗi năm 2 học kỳ, mỗi học kỳ 15 bài.

Khi chuẩn bị cho các em xưng tội, rước lễ lần đầu, chúng ta đã giúp các em gắn bó, kết hiệp với Đức Kitô và Thiên Chúa. Để chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, chúng ta cần giúp các em hiểu biết hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Lịch sử Cứu Độ và ý thức mình là thành phần của cộng đoàn dân Thiên Chúa. Như các môn đệ ngày xưa, một khi được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, chúng ta trở nên những con người mới như Chúa Giêsu. Đồng thời, góp phần loan báo Tin Mừng Thiên Chúa yêu thương và cứu độ loài người.

Bốn học kỳ lần lượt đưa các em từ Lịch sử Cứu Độ diễn ra giữa Thiên Chúa với dân Israel trong quá khứ, rồi với Đức Kitô và Giáo Hội tiên khởi, đến Lịch sử Cứu Độ đang diễn ra hôm nay với Giáo Hội dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

Read More
IMG
Thêm Sức 1

Chương trình học là Lịch sử Cứu Độ được Thánh Kinh trình bày : Thánh Kinh ghi lại cho chúng ta nhiều mạc khải của Chúa qua các biến cố, các nhân vật trong những giai đoạn khác nhau. Mỗi nhân vật đóng một vai trò thực hiện ý định cứu chuộc của Thiên Chúa, hoặc tượng trưng cho một thái độ tôn giáo.

Read More
IMG
Thêm Sức 2

Trong năm học này, trẻ sẽ chứng kiến Lịch sử Cứu Độ đang diễn ra hôm nay với Giáo Hội dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Trẻ sẽ được giới thiệu về đời sống mới trong Chúa Thánh Thần và ân sủng cũng như hoạt động của Ngài, về Bí tích Thêm Sức mà trẻ sắp lãnh nhận, về Giáo Hội ( với các phẩm trật, thứ bậc và sứ vụ ) mà trẻ trở nên thành viên sống động, cũng như nhắc lại Bí tích Thánh Tẩy mà nhờ nó, trẻ gia nhập vào Nước Chúa và bước đầu lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu ban cho ta chính Thánh Thần mà Ngài hứa và đã ban cho các Tông đồ. Chúa Thánh Thần đã hoàn toàn đổi mới các Tông đồ. Ngài có thể biến đổi mọi sự nếu ta biết nghe theo Ngài.

Chúa Thánh Thần liên kết ta với Giáo Hội, làm cho ta trưởng thành và làm cho toàn thể Giáo Hội lớn lên.

Chúa Thánh Thần biến ta thành người đi làm chứng cho Thiên Chúa và mở rộng Nước Ngài.

Read More
IMG
Bao Đồng 1 – PHỤNG VỤ

12 tuổi là tuổi giao thoa giữa thiếu nhi và thiếu niên, trẻ lớp Bao Đồng 1 còn mang nhiều đặc tính tâm lý, tập quán của lứa tuổi Đại Ấu : Thế giới bên ngoài dễ lôi cuốn, khiến trẻ thường nghĩ, nhìn, làm như mọi người. Các em sống theo quy ước xã hội với óc thực tiễn : chỉ nhằm kết quả, thường hành động theo thói quen. Chính việc trẻ thích hoạt động đúng luật, mà việc học hỏi về Phụng vụ thích hợp với tuổi này, vì trong Phụng vụ, ngoài phần suy niệm và cảm nghiệm, còn có sinh hoạt cộng đoàn với các cử chỉ, quy luật nhất định. Tuy nhiên ở đây cũng phải tránh hình thức, máy móc. Cần giúp trẻ hiểu ý nghĩa các cử chỉ để thực hiện với ý thức.

Cần giúp trẻ có một cái nhìn sâu, đúng và quân bình hơn về Thiên Chúa. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là giúp trẻ làm quen với Thiên Chúa như được trình bày trong Thánh Kinh và Phụng Vụ. Qua Thánh Kinh và Phụng Vụ, ta thấy Thiên Chúa vừa là Đấng siêu việt, cao cả, Ngài hành động và dạy dỗ, vừa là Đấng đáp lại nguyện vọng riêng tư của từng người. Sứ điệp của Ngài rất phong phú, bao trùm mọi vấn đề và mọi sinh hoạt của con người

Phụng Vụ, với những cách diễn tả cụ thể và đa dạng, càng làm cho hình ảnh của Thiên Chúa và sứ điệp của Ngài thêm sống động. Dạy Phụng Vụ cho lớp BĐ 1 , HT/GLV cần giúp trẻ khám phá ra Thiên Chúa là Đấng đến để giúp trẻ thành toàn đời minh.

Read More
IMG
Bao Đồng 2 - BÍ TÍCH & GIÁO HỘI HỌC

Trẻ lớp BĐ 2 được hướng dẫn để hiểu hơn về các Bí tích như những phương thế hữu hiệu giúp trẻ thông hiệp với Thiên Chúa, Đấng giúp trẻ lên cao, giúp thực hiện những ước mơ chính đáng và làm phát triển đời các em.

Đây cũng là tuổi mà ý thức tự do chớm nở. Lòng khao khát tự do nhiều khi đưa tới chống đối HT/GLV đừng tìm cách bẻ gẫy chống đối, nhưng hướng sức mạnh của trẻ vào mục tiêu tốt. Giáo lý cho tuổi này phải mạch lạc, chính xác, vững chắc. Phải tập cho trẻ có thái độ đức tin trước những sự việc xảy ra liên quan đến chúng. Việc học hỏi về các Bí tích và Giáo Hội phải được đào sâu trong viễn tượng này.

Các Bí tích mà trẻ nhận được đều thông qua Giáo Hội Tuổi này ngưỡng mộ những cuộc đời cao cả, gương sáng của các anh hùng và thánh nhân. Vì thế, trẻ quan niệm Giáo Hội phải gồm những người quảng đại, can đảm, thánh thiện. Do đó, hãy cho trẻ thấy tinh thần của Chúa Giêsu thực hiện trong đời sống các thánh như thế nào. Tuổi này ước mơ hơn là nhìn rõ thực tế, và ít khi thực hiện nổi điều đã dự định. Tuy nhiên trẻ biết quảng đại, cố gắng, dám hy sinh. Cần nâng đỡ trẻ đừng nản lòng, ngay cả khi thất bại. Tập cho chúng sống trong hy vọng. Cho trẻ thấy ngày nay ta có thể sống tinh thần của Chúa Giêsu ra sao, cuộc chiến chống tội lỗi cần tới mức nào, cuộc đời theo Chúa Giêsu tràn đầy niềm vui lớn lao. HT/GLV giúp trẻ hiểu thực tế về Giáo Hội qua các sinh hoạt cụ thể của giáo xứ và Giáo Phận.

Đến tuổi dậy thì, trẻ chú ý đến những gì liên quan đến thân xác và sự sống. Đồng thời trở nên đa cảm, mơ mộng. Cần giúp chúng giữ quân bình. Cần tập cho trẻ phối hợp tự do với tự chủ. Vì thế, tránh trình bày giới luật của Thiên Chúa và của Giáo Hội như những gánh nặng áp đặt từ bên ngoài để hạn chế tự do. Nhưng cho thấy : giới luật là phương thế giúp ta tập sống tự do. Hơn nữa, luật của Chúa Giêsu là luật yêu thương. Ai giữ luật đó là yêu mến Ngài.

Read More
IMG
Bao Đồng 3

được học hỏi đặc biệt chuyên sâu về LỊCH SỬ CỨU ĐỘ.

Read More
IMG
Bao Đồng 4

Học hỏi chuyên sâu về các sách trong bộ THÁNH KINH.

Ở giai đoạn 14-16 tuổi, trẻ bước vào thời duy ngã tình cảm và mơ mộng. Đây là thời chủ quan : một chân lý chỉ được đón nhận nếu thấy nó có liên quan đến mình. Tư tưởng pha lẫn đam mê : dễ cảm phục, say mê những gì cao đẹp. Tư tưởng đượm tình cảm, quá tuyệt đối và hay thay đổi. Công cuộc giáo dục đức tin cần cho trẻ thấy chính Thiên Chúa và Đức Giêsu mang đến cho cuộc đời của thiếu niên một ý nghĩa. Muốn thăng tiến thật sự, thiếu niên phải vượt ra khỏi chính mình để đón nhận Thiên Chúa. Chính do điều này, chương trình giáo lý cho các em lứa tuổi này học hỏi về Lịch sử Cứu Độ và tìm hiểu các sách Thánh Kinh

Giáo lý phải theo kịp đà tiến triển của trí tuệ của tuổi này. Nội dung giáo lý cần được mở rộng và tăng cường để bao trùm những hiểu biết mới của trẻ. Những bài học với những câu hỏi thảo luận giúp các em suy tư, thảo luận để đào sâu, mở rộng vấn đề. Cần hướng thiếu niên về hoạt động, nhưng muốn hoạt động hữu hiệu, đúng hướng, cần biết suy nghĩ và có kiến thức vững chắc. Chẳng những giáo lý phải soi sáng hoạt động hiện tại, nhưng còn phải chuẩn bị cuộc đời hoạt động mai sau của chúng trong ánh sáng Lời Chúa. Các bài giáo lý đều được đặt nền tảng trên Thánh Kinh. Nay trong lớp BĐ 3 và 4, các em được học hỏi, tiếp cận gần gũi và thân thiết hơn với Thánh Kinh. Cần lợi dụng dịp này để giúp các em có thói quen và ham thích đọc Lời Chúa hàng ngày, biết tự lãnh nhận Lời Chúa và rút ra quyết tâm sống mỗi ngày.

Từ 14-16 tuổi, trẻ chưa ưa hoạt động, nhất là hoạt động cho người khác. Chúng còn băn khoăn, suy nghĩ, tưởng tượng, ước mơ. HT/GLV cần thận trọng, chớ thúc đẩy quá mạnh. Đây là lúc thuận tiện để phát triển việc học tập bằng nghiên cứu. Đồng thời, qua những sự việc cụ thể, giúp trẻ chú trọng đến đời sống xã hội và sinh hoạt cụ thể của Giáo Hội; đề nghị chúng tham dự một số hoạt động xã hội, tông đồ, nhưng để chúng tự ý chọn lựa

Các nhóm nhỏ rất có ích cho thiếu niên. Nhóm nhỏ mang lại cho chúng một nơi nương tựa bình an và có tình người. Nhóm dạy cho trẻ sống theo kỷ luật, mực thước, hòa mình và cộng tác với các bạn. Như vậy là làm quen với đời sống xã hội và Giáo Hội. Chính vì thế nên phân chia cho các em thành đội, nhóm nghiên cứu các đề tài và trình bày lại trước lớp dưới nhiều dạng thức khác nhau (thuyết trình, vẽ sơ đồ, power point, sưu tầm tranh ảnh, minh họa,...)

Read More
IMG
Vào Đời 1 - LUÂN LÝ

Trẻ nhỏ căn cứ vào người lớn để phân biệt tốt xấu. Điều gì người lớn bảo làm là tốt, điều gì cấm là xấu. Thiêu niên tự mình nhận ra giá trị nội tại của mỗi việc. Chúng hiểu có một luật luân lý tự nhiên ghi trong lòng. Điều gì hợp luật là tốt, điều gì nghịch lại là xấu.

Thiếu niên có một cái nhìn lý tưởng về các giá trị luân lý. Một cái nhìn tuyệt đối nhưng mơ hồ. Cần giúp chúng nhận định các giá trị đó quân bình hơn.

Thiếu niên quảng đại và say mê lý tưởng. Vì say mê lý tưởng nên thường thiếu thực tế. Thường hành động mà không nghĩ xa, không cân nhắc những hậu quả có thể xảy đến. Chúng nghĩ mình có thể tự hành động, tự phát triển, tự cứu. Cần tập cho chúng biết khiêm tốn và đặt niềm cậy trông vào Thiên Chúa hơn.

Thiếu niên đã hiểu chính xác hơn về tội. Đối với trẻ nhỏ, tội nằm trong hành động bên ngoài. Còn thiếu niên hiểu được rằng tội ăn rễ sâu trong lòng người. Như vậy là đã hiểu được trách nhiệm cá nhân trong lựa chọn luân lý.

Luật lệ là cần thiết. Nhưng thường luật lệ chỉ uốn nắn được những hành vi bên ngoài, chứ không đủ cải tạo con người bên trong. Hơn nữa thiếu niên không ưa thích, có khi còn chống lại tất cả những gì áp đặt từ bên ngoài. Vì thế hiệu lực của đường lối này khá mong manh. Trái lại những gương mẫu cụ thể có thể cảm hóa được tâm hồn trẻ. Một cuộc đời gương mẫu là tiếng gọi, mời trẻ lên cao. Tiếng gọi đó gợi lên lòng quảng đại và rất có hy vọng được trẻ đáp ứng chân thành. Khuôn mẫu đầu tiên ta phải đặt trước mặt trẻ là Đức Giêsu. Ngài vừa là nội dung vừa là chủ đích của giáo lý

Mỗi nhà giáo dục phải là một gương mẫu cho thiếu niên, là hiện thân của một lý tưởng cao siêu, nhưng đồng thời phải gần gũi, hiểu tâm tính, nguyện vọng của chúng. Tuy nhiên, người làm gương mẫu phải kín đáo, xóa mình, nhất là tránh gây ảnh hưởng cá nhân, hoặc biến mình thành thần tượng.

Read More
IMG
Vào Đời 2 - LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Qua các nhân vật trong lịch sử, thiếu niên khám phá ra chính mình, sáng suốt về mình. Hơn nữa, các tác động cụ thể của các nhân vật lịch sử giúp thiếu niên bớt mơ mộng và chú trọng đến thực tế hơn

Thiếu niên vốn không ưa những lời khuyên răn luân lý trực tiếp của thầy cô. Trình bày các nhân vật lịch sử là những bài luân lý gián tiếp, kín đáo và cụ thể. Qua các nhân vật đó thầy trò dễ cảm thông với nhau.

Trước những khó khăn của đời sống, thiếu niên dễ nản lòng. Lịch sử ngàn năm của Giáo Hội với biết bao thử thách, thăng trầm dạy cho thiếu niên kiên trì và sống trong hy vọng.

Thiếu niên còn ngây thơ, tin rằng mình có thể tự sức mình hành động và thành công. Lịch sử Giáo Hội cho thấy chính Thánh Thần bảo tồn và hướng dẫn Hội Thánh qua muôn ngàn khó khăn, và đời sống thánh thiện trong Giáo Hội là do ân sủng tạo nên.

Trong lịch sử Giáo Hội có nhiều gương xấu, nhiều chuyện dở. Điều này có thể làm thiếu niên dao động. Cần giúp trẻ hiểu : không thể tránh được cỏ lùng, nhưng chỉ là tạm thời. Thánh Thần luôn mạnh hơn sự ác.

Lịch sử Giáo Hội còn giúp thiếu niên phân biệt cái phụ thuộc với cái chính yếu, cái tương đối và cái tuyệt đối. Cái phụ thuộc và tương đối như tổ chức, cơ cấu, luật lệ...thì thay đổi tùy thời và tùy hoàn cảnh. Còn Giáo Hội trong thực chất của mình không thể thay đổi.

Thánh Thần được nhắc đến trực tiếp hay gián tiếp trong tất cả các bài giáo lý cho thiếu niên.

Thánh Thần là nguồn mạch của sức mạnh, phấn khởi, quảng đại, tình yêu, nỗ lực tự giải thoát mà thiếu niên cần theo đuổi và tập luyện

Chính Thánh Thần mời gọi thiếu niên sống theo gương Chúa Kitô và ban cho thiếu niên sức phấn đấu để vượt qua mọi khó khăn.

Với tư cách là tình yêu của Thiên Chúa, Thánh Thần tập hợp và giúp ta sống trong tình huynh đệ.

Thánh Thần tác động và hướng dẫn Giáo Hội. Cuộc đời nhân đức của các thánh là hoa quả bởi Thánh Thần.

Thần học và giáo lý ngày nay tái khám phá ra tầm quan trọng của cánh chung : Đời ta sẽ hoàn tất như thế nào ? Đức tin đưa ta đi tới đâu ? Ta hy vọng những gì ? Chính tận đích phải tới soi sáng con đường ta đi.

Cần cho thấy ý nghĩa thiêng liêng đích thực của những thực tại cánh chung như phán xét, thưởng phạt, trời, địa ngục... Cũng cần giúp cho hiểu : tất cả những thực tại đó đã được chuẩn bị và bắt đầu hình thành ngay từ nay, trong mỗi hành vi của ta. Số phận cuối cùng của mỗi người được định đoạt từng bước qua những lựa chọn liên tiếp của mình trong cuộc đời hiện tại.- Chính Thiên Chúa và Lời Ngài sẽ xét xử và tôn vinh ta. Chính Thiên Chúa là nguồn ơn cứu rỗi, vinh quang và niềm vui của ta. Giêrusalem thiên quốc trước hết là hồng ân của Thiên Chúa, mặc dầu chính ta phải góp phần xây dựng.

Điều quan trọng hơn hết có lẽ không phải là giờ chết, nhưng là phẩm chất cuộc sống, nghĩa là cách ta sống mỗi ngày. “Sống sao thì chết vậy”. Ngược lại sự chết cũng ảnh hưởng đến đời sống ta. Muốn sống mỗi ngày thật đầy đủ và ý nghĩa, phải tỉnh thức và chờ đợi Đấng sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm.

Read More